Đánh giá Vương Quân (nhà Lương)

Quân có thể gieo vần khó (cường vận), ở mỗi buổi tiệc trong triều đình đều làm ra tác phẩm, luôn có lời hay ý đẹp. Theo Ngọc giản tạp thư của Diệp Mộng Đắc, trước khi thơ Đường luật ra đời, khái niệm “cường vận” trong chánh sử duy nhất được đề cập trong Vương Quân truyện của Lương thư. Vì thế Quân nhiều lần được nhận mệnh sáng tác để dâng lên hoàng đế, Thẩm Ước từng vui vẻ khải với Lương Vũ đế rằng: “Danh gia xưa nay, chỉ thấy Vương Quân độc bộ.” Trong dịp Ngự diên (tiệc rượu của hoàng đế), Thẩm Ước lại nói với bác hai của Quân là Vương Chí rằng: “Cháu anh nắm giữ cái đẹp của văn chương, có thể nói là độc bộ trong đám hậu sinh. Tạ Thiểu từng nói: ‘Thơ hay lưu chuyển hoàn mỹ như hòn đạn.’Gần đây đọc mấy bài của hắn, mới biết lời ấy là thật.”

Quân thường làm thơ gởi cho Thẩm Ước; đối với thể loại thơ thù xướng này, thành tựu của Quân nhìn chung không có gì đặc biệt, bởi vì đối tượng thù xướng của ông chỉ là những thành viên sĩ tộc đang tận hưởng đỉnh cao quyền lực của nhà Lương: Lương Vũ đế, thái tử Tiêu Cương, thượng thư lệnh Thẩm Ước và Ngô Quân,... Ví dụ: Tiêu Cương từng làm Mông dự sám hối thi, Vũ đế đáp lại với Hòa thái tử sám hối thi, còn Quân đáp lại với Hòa hoàng thái tử sám hối thi. Về nội dung, bài Hòa Ngô chủ bộ (tức Ngô Quân) có thể xem là tiêu biểu của Quân ở thể loại này: hầu như chỉ đề cập đến tâm tình bản thân, ít quan tâm đến hoàn cảnh bên ngoài.

Theo Thi phổ của Trần Dịch Nguyên, Thẩm Ước, Hà Tốn và Vương Quân là những nhà thơ có công gây dựng nền tảng cho Đường luật. Trần Dịch Nguyên ca ngợi Quân mạnh ở khả năng gieo vần, ví dụ: Sở phi ngâm, Khuê tình, Tạp khúc nhị thủ kì 2, Xuân du dùng bình vận, Tặng Tiêu đại phu, Tam phụ diễm thi dùng trắc vận. Hơn nữa, Quân được cho là đi trước thời đại về mặt thể thơ, ví dụ: Thảo mộc thập vịnh được làm theo phép liên chương, phải đến đời Đường mới thông dụng, Sở phi ngâm rất gần với từ,... Nhìn chung, Quân là nhà thơ được đánh giá cao về kỹ thuật, nhưng về nội dung thì không có gì đặc sắc.